Cửa khẩu Cốc Nam tại Lạng Sơn tạm dừng hoạt động

Quang Thắng
Nguyên nhân do phía Trung Quốc tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu Cốc Nam, Lạng Sơn) để phòng chống dịch Covid-19 khu vực biên giới.
cua-khau-coc-nam-tai-lang-son-tam-dung-hoat-dong-dulichvn-dulichvietnam-1630213180.jpg
Cửa khẩu phụ Cốc Nam tại tỉnh Lạng Sơn đã tạm dừng hoạt động do phía Trung Quốc tạm dừng cửa khẩu Lũng Vài để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: Hoàng Nghĩa.

Thông tin trên zing cho biết, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (thuộc Bộ Công Thương) vừa có thông báo về việc cửa khẩu phụ Cốc Nam tại tỉnh Lạng Sơn đã tạm dừng hoạt động. Thời gian khôi phục hoạt động xuất nhập khẩu sẽ căn cứ theo tình hình dịch bệnh và nhu cầu thông quan hàng hóa qua khu vực này.

Nguyên nhân do chính quyền Bằng Tường, Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Lũng Vài (tương ứng với cửa khẩu phụ Cốc Nam của tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam) từ 18h ngày 26/8 để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 khu vực biên giới.

Để giữ cho hoạt động xuất khẩu không bị gián đoạn, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với UBND các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng xây dựng phương án điều tiết phương tiện di chuyển qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Lạng Sơn hoặc tới các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên địa bàn tỉnh Cao Bằng như Tà Lùng (phía Trung Quốc là Thủy Khẩu) và Trà Lĩnh (phía Trung Quốc là Long Bang).

Mới đây, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các hiệp hội doanh nghiệp, cho biết trong bối cảnh dịch bệnh, để tạo thuận lợi cho công tác thông quan, tránh tình trạng ùn tắc, tồn đọng hàng hóa tại cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc, các doanh nghiệp nên xuất khẩu hàng hóa đi thị trường Trung Quốc qua hình thức chính ngạch.

Hàng hóa xuất khẩu chính ngạch (hàng mua bán theo hợp đồng; người nhận và các điều kiện giao hàng rõ ràng; giao hàng tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; quy cách hàng hóa và bao bì đáp ứng quy định của nước nhập khẩu) có khả năng thông quan thuận lợi hơn rất nhiều so với hàng hóa vận chuyển lên biên giới để xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại các cặp chợ đường biên.

Đối với nông sản xuất khẩu, doanh nghiệp cần phối hợp với bên mua để phân loại, đóng gói, sử dụng bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngay tại khâu sản xuất, đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng để tránh làm gia tăng chi phí, giúp đẩy nhanh tiến độ thông quan, hạn chế xảy ra tình trạng ùn ứ tại khu vực cửa khẩu.


https://zingnews.vn/cua-khau-coc-nam-tai-lang-son-tam-dung-hoat-dong-post1256281.html