Tế bào gốc làm đẹp: Có phải thần dược để 'nâng cấp' nhan sắc?

Thanks-life
Tế bào gốc trong làm đẹp có thực sự là 'thần dược'? Nhiều trường hợp sau khi sử dụng bị hư da mặt, phù nề, tai biến viêm cứng vòng một.
Khuôn mặt của một người phụ nữ chi chít nốt tiêm sưng nề, đỏ đau sau tiêm “tế bào gốc” - Ảnh: BVCC

Khuôn mặt của một người phụ nữ chi chít nốt tiêm sưng nề, đỏ đau sau tiêm “tế bào gốc” - Ảnh: BVCC

Tin vào lời quảng cáo sử dụng Hàng loạt cơ sở làm đẹp, y học cổ truyền ở TP.HCM hoạt động chui, quảng cáo lốThẩm mỹ ẩu theo trào lưu, muốn môi trái tim ai ngờ bị 'môi hở răng lạnh'Ai tuyệt đối không nên phẫu thuật thẩm mỹ?Ai tuyệt đối không nên phẫu thuật thẩm mỹ?

Trào lưu làm đẹp bằng tế bào gốc được quảng bá rầm rộ. Nhiều spa, cơ sở thẩm mỹ tư vấn rằng sử dụng tế bào gốc, tế bào gốc tự thân, mỡ tự thân... nhằm làm đẹp da, nâng vòng một.

Tuy nhiên tại khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM thường xuyên tiếp nhận những ca bệnh nhân được tiêm các sản phẩm được người tiêm gọi là "tế bào gốc" đến điều trị.

BS.CKII Trần Ngọc Phương - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết những bệnh nhân "đi cấp cứu da" đa số là nữ giới trong độ tuổi 30 - 45, thường được quảng cáo sử dụng các sản phẩm "tế bào gốc" để tiêm vi điểm trên mặt. Khi xảy ra phản ứng sưng viêm, các nốt không tan trên mặt kéo dài hàng tuần, thậm chí nhiều tháng, họ mới tìm đến bệnh viện để được điều trị.

Mới đây, đến với khoa thẩm mỹ da của Bệnh viện Da liễu là trường hợp chị N.T.H.T. (32 tuổi, ngụ quận 10, TP.HCM). Chị T. cho bác sĩ biết chị đến một spa tại quận 3 có chạy quảng cáo về việc tiêm vi điểm "tế bào gốc". Bệnh nhân không rõ tên thuốc là gì nhưng được giới thiệu là trẻ hóa da, điều trị nám.

Sau tiêm 3 ngày, các nốt tiêm sưng nề, đỏ đau, sau đó bệnh nhân có dùng thuốc tại spa nhưng không giảm. Sau 1 tuần, các nốt tiêm vẫn không lặn, bệnh nhân thấy sốt và mệt mỏi nên mới đến khám tại bệnh viện.

Nghe lời quảng cáo cấy tế bào gốc tự thân làm đẹp da, xóa nếp nhăn, chị K. (35 tuổi, Hà Nội) đã đến một cơ sở thẩm mỹ để thực hiện. Tại đây, chị được giới thiệu về phương pháp sử dụng tế bào gốc tự thân, rằng kỹ thuật viên sẽ tách tiểu cầu khỏi bạch cầu, hồng cầu và kết hợp với tế bào huyết tương từ phần máu này để cấy lên da giúp làn da được "tái sinh".

Nghe theo lời quảng cáo, chị K. đã thực hiện phương pháp này. Thế nhưng, sau đó chị K. bắt đầu xuất hiện nhiều nốt bầm tím, mặt sưng phù. Tại bệnh viện, chị được chẩn đoán nhiễm khuẩn cấp.

Chưa được cấp phép trong lĩnh vực thẩm mỹ

BS.CKII Trần Ngọc Phương cho hay đến nay Bộ Y tế cũng như Cục Quản lý dược chưa cấp phép chính thức nào cho các sản phẩm từ "tế bào gốc" trong lĩnh vực thẩm mỹ.

Thực tế, việc ứng dụng tế bào gốc vào điều trị hiện nay chưa được cấp phép rộng rãi, chủ yếu là trong lĩnh vực ghép tế bào gốc cho các bệnh nan y, mạn tính.

Quy trình để tách chiết và nuôi cấy tế bào gốc cần được diễn ra trong các điều kiện bảo quản đặc biệt, cực kỳ nghiêm ngặt. Điều này chỉ có thể thực hiện tại các phòng thí nghiệm có hệ thống máy móc hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản.

Và hơn nữa, tế bào gốc và các chất tiết từ tế bào gốc chỉ có thể tồn tại được trong một thời gian ngắn trong điều kiện môi trường bình thường. Nên không thể có sản phẩm nào gọi là "tế bào gốc" và được dùng để tiêm làm đẹp bên ngoài thị trường được.

Bác sĩ Phạm Ngọc Minh, khoa phẫu thuật tạo hình và vi phẫu Bệnh viện trung ương Quân đội 108, cũng nhấn mạnh hiện tại chưa có bằng chứng y văn nào trên thế giới về nâng ngực bằng huyết tương PRP hoặc bằng mỡ lấy từ máu. Các cơ sở spa vì lợi nhuận có thể tiêm các chất lạ vào cơ thể, dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng.

Theo TS Vũ Thái Hà - trưởng khoa nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu trung ương, hiện nay các quảng cáo về việc làm đẹp bằng tế bào gốc tự thân thực chất chỉ là huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) chứ không phải là tế bào gốc. Thậm chí, nhiều cơ sở tiêm chất lạ, không rõ nguồn gốc vào da mặt gây biến chứng.

Theo bác sĩ Hà, tế bào gốc có thể lấy từ mỡ, máu, tủy sống... Khi lấy tế bào gốc phải có hệ thống lấy tế bào đó, thậm chí có thể lấy từng loại tế bào gốc. Nuôi cấy phải đủ thì mới có tác dụng, trong quá trình nuôi cấy phải kiểm soát được sự phát triển của tế bào gốc. Đặc biệt, việc sử dụng tế bào gốc trong thẩm mỹ hiện chưa được cho phép tại Việt Nam.

Cận Tết, tỉnh táo trước quảng cáo làm đẹp "có cánh"

BS.CKII Trần Ngọc Phương lưu ý việc tiêm những sản phẩm không rõ nguồn gốc như thế này chắc chắn sẽ đưa đến nhiều nguy cơ phản ứng dị ứng do đưa hoạt chất lạ không rõ nguồn gốc vào trong cơ thể.

Đa số những bệnh nhân này có thời gian điều trị kéo dài hàng tháng, thậm chí đến cả năm, mới có thể đưa bệnh nhân về với tình trạng da gần như lúc ban đầu.

Tế bào gốc làm đẹp: Có phải thần dược để 'nâng cấp' nhan sắc?- Ảnh 5.
BS.CKII Trần Ngọc Phương, khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM, thăm khám bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Không chỉ "tế bào gốc" mà nhiều sản phẩm hiện nay cũng được quảng cáo thổi phồng lên rất nhiều về hiệu quả, đồng thời kèm theo nhiều chương trình ưu đãi để lôi kéo những khách hàng cả tin.

"Trước thềm năm mới, để đón một cái Tết thật vui và mạnh khỏe, chúng ta cần tỉnh táo trước những lời quảng cáo "có cánh. Chị em nên biết rằng làn da đẹp là một quá trình chăm sóc lâu dài chứ không phải cải lão hoàn đồng, chỉ sau một liệu trình điều trị bằng bất cứ sản phẩm nào được", bác sĩ Phương khuyến cáo.

Bác sĩ Phạm Ngọc Minh cũng cảnh báo cần tuyệt đối tránh ham rẻ mà nghe quảng cáo đưa các chất lạ vào cơ thể dẫn đến không tương thích thải loại, nhiễm trùng.

https://tuoitre.vn/te-bao-goc-lam-dep-co-phai-than-duoc-de-nang-cap-nhan-sac-20240108231223267.htm