Nhiều phương thức tuyển sinh: Chọn thế nào?

Admin
Năm 2021, các trường đại học đều đưa ra nhiều phương thức tuyển sinh, có trường đồng thời áp dụng đến 6 phương thức. Thí sinh nên lựa chọn thế nào? Cùng tham khảo thông tin các phương thức TS trên tuoitre nha mọi người...
Nhiều phương thức tuyển sinh: Chọn thế nào? - Ảnh 1.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ vào Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - Ảnh: T.H.

"Thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường trong thời hạn quy định của trường. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được hiểu là từ chối nhập học và trường được xét tuyển thí sinh khác. Thí sinh đã xác nhận nhập học sẽ không được tham gia xét tuyển ở các trường khác.

ThS Hoàng Thúy Nga

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để có thể lựa chọn phương thức phù hợp, tránh nhầm lẫn dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển.

Hơn 10 phương thức tuyển sinh

Theo thống kê, hiện có hơn 10 phương thức tuyển sinh khác nhau được các trường áp dụng trong mùa tuyển sinh 2021.

Hầu hết các trường đều sử dụng nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc dựa vào điểm học bạ kết hợp với thi tuyển năng khiếu (đối với các ngành năng khiếu) và các phương thức kết hợp khác, trong đó trường có ít phương thức tuyển sinh nhất là 2 và nhiều nhất là 6 phương thức.

Năm nay, các trường thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM tuyển sinh với nhiều phương thức và đa dạng hình thức như thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Các phương thức xét tuyển các trường công bố đều yêu cầu thí sinh phải đáp ứng điều kiện chung là tốt nghiệp THPT.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có 5 phương thức: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; xét thí sinh người VN học trường nước ngoài tại VN và thí sinh người nước ngoài học THPT tại nước ngoài.

Lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa áp dụng 6 phương thức, trong đó có phỏng vấn, bên cạnh 5 phương thức trên. Còn phương thức tuyển sinh thứ 6 của Trường ĐH Quốc tế là xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi kiểm tra năng lực do nhà trường tự tổ chức.

Trường ĐH Công nghệ thông tin cũng có thêm phương thức thứ 6 là xét tuyển theo tiêu chí riêng của chương trình liên kết với ĐH Birmingham City, Anh (do ĐH Birmingham City cấp bằng).

Trong khi đó, ThS Nguyễn Tuấn Kiệt, phó trưởng phòng đào tạo Khoa y, cho biết: "Năm nay Khoa y sẽ áp dụng thêm phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với khoảng 20% tổng chỉ tiêu".

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh 6 phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển học sinh giỏi; xét quá trình học tập theo tổ hợp môn; xét kết quả thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Xét tuyển học bạ: coi chừng nhầm lẫn

Trong các phương thức tuyển sinh, xét tuyển học bạ THPT là phương thức được các trường áp dụng với nhiều cách thức khác nhau. Thí sinh cần đặc biệt lưu ý để tránh nhầm lẫn dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển.

Theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đối với xét tuyển học bạ, có trường chỉ xét học sinh trường chuyên top 100 hoặc top 200. Thí sinh cần tìm hiểu trường mình thuộc top nào để nộp hồ sơ xét tuyển cho chính xác, nếu trường không nằm trong top này mà thí sinh đăng ký xét tuyển sẽ không hợp lệ.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết: "Đối với xét quá trình học tập theo tổ hợp môn (học bạ), nhà trường xét thí sinh có điểm trung bình tổ hợp môn (A00, A01, D01 hoặc D07) đăng ký xét tuyển từ 6.50 trở lên cho các năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 của chương trình THPT theo hình thức giáo dục chính quy và tốt nghiệp THPT".

Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ưu tiên xét tuyển và xét học bạ theo quy chế tuyển sinh của trường 4 đối tượng, trong đó học sinh có kết quả xếp loại học lực học kỳ 1, học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ loại giỏi trở lên thuộc các trường THPT chuyên, năng khiếu trực thuộc đại học và các trường chuyên, năng khiếu trực thuộc tỉnh/thành phố; học sinh có kết quả điểm học lực học kỳ 1 và học kỳ 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 6.5 trở lên, tổng điểm xét tuyển các môn trong tổ hợp xét tuyển từ 20 trở lên bao gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực; điểm môn tiếng Anh trung bình cộng 3 học kỳ phải đạt từ 6.5 trở lên.

Chỉ trúng tuyển bằng 1 phương thức

Theo ThS Hoàng Thúy Nga, Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT, dù các trường ĐH áp dụng nhiều phương thức tuyển khác nhau, thí sinh có thể đồng thời đăng ký xét tuyển nhiều phương thức nhưng chỉ trúng tuyển bằng một phương thức duy nhất.

Quy chế tuyển sinh quy định dù không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký nhưng thí sinh chỉ được xét trúng tuyển 1 nguyện vọng có thứ tự cao nhất. Ví dụ, thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường A và 3 nguyện vọng còn lại vào 3 trường khác nhau...

Dù điểm thi của thí sinh rất cao, đủ để trúng tuyển vào tất cả các trường trên nhưng khi đã được xét trúng tuyển vào trường A (nguyện vọng có thứ tự ưu tiên cao nhất), thí sinh sẽ không được tiếp tục xét tuyển vào các trường còn lại.

https://tuoitre.vn/nhieu-phuong-thuc-tuyen-sinh-chon-the-nao-20210310092603645.htm