Kỹ xảo kém - điểm trừ của phim Trung Quốc

Tính Bùi
Nhiều khán giả cho biết tức cười vì các cảnh kỹ xảo non nớt trong loạt phim truyền hình Trung Quốc gần đây.

Theo vnexpress.net, các phim cổ trang, kỳ ảo, thần thoại đang chiếu như Thập nhị đàm, Thập nhị đàm, Sơn hà lệnh... đều bị chê bai vì những đoạn xử lý sơ sài, không chuyên nghiệp, như cảnh người cá trong Thập nhị đàm, cảnh đánh trận ở Trường Ca hành...

Bài báo dẫn chứng hàng loạt những nhận xét: Trên Weibo, khán giả viết: "Năm 2021 còn có kỹ xảo thế này ư?", "Kỹ xảo này, ba đồng cũng không đáng", "Các nhà làm phim coi khán giả như trẻ lên ba cả à?"...

Kỹ xảo kém - điểm trừ của phim Trung Quốc

Cảnh người cá trong "Thập nhị đàm". Video: Youku.

Theo Sina, loạt tác phẩm ra mắt những năm gần đây như Thượng cổ mật ước, Vương quốc ảo, Cửu Châu thiên không thành, Thanh vân chí... đều bị chê vì nhiều cảnh thiếu tự nhiên.

Trên trang 163, Triệu Cương - giám đốc kỹ xảo phim Thanh Vân Chí - cho biết lý do chính dẫn đến hiện tượng "kỹ xảo ba đồng" là không đủ thời gian. Nhà sản xuất Thanh Vân Chí chi 50 triệu nhân dân tệ (7,6 triệu USD) làm hiệu ứng hình ảnh song quỹ thời gian eo hẹp, buộc êkíp làm nhanh để giao cho công ty sản xuất, kịp ngày ra mắt. Vương quốc ảo - phim kỹ xảo chiếm 90% - gặp tình trạng tương tự. Triệu Cương cho rằng thời gian làm phim Hollywood linh động, thoải mái hơn. Ví dụ Game of Thrones, mỗi năm đoàn chỉ làm khoảng 10 tập trong khi một phim truyền hình Trung Quốc dao động từ 30-80 tập.

Dương Lỗi, đạo diễn Cửu Châu thiên không thành, cho biết thường phải thúc giục êkíp kỹ xảo. Phim chỉ có ba tháng xử lý hậu kỳ trước khi ra mắt. Ông cho biết nhiều trường hợp nhà sản xuất chấp nhận chi tiền nhưng cũng không thể có hình ảnh chất lượng cao do thiếu thời gian.

Kỹ xảo phim Thượng cổ mật ước

Cảnh kỹ xảo bị chê trong "Thượng cổ mật ước". Ảnh: QQ.

Không ít phim kỹ xảo sơ sài do nhà sản xuất không chịu đầu tư

Phân tích sâu hơn, tác giả Như Anh cũng cho hay, theo Triệu Cương, những người làm kỹ xảo như ông không quyết định được điều này. Triệu Cương nói, "Ví dụ cảnh đánh trận với hàng nghìn binh lính nhưng nhà sản xuất chỉ thuê hơn 10 diễn viên quần chúng, còn lại yêu cầu công ty kỹ xảo xử lý, như thế làm sao có thể cho ra hiệu ứng chân thực?".

Dẫn lời Triệu Cương, tác giải Như Anh cho rằng, với phim Hollywood, đội ngũ kỹ xảo tham gia sản xuất từ giai đoạn hoàn thiện kịch bản còn ở Trung Quốc, người làm nghề như Triệu Cương thường chỉ được tham gia khi phim gần quay xong. "Những cảnh hiện trường không quay được, đạo diễn mới ném cho chúng tôi", ông nói. Hiện trạng này khiến nhiều cảnh phim rời rạc, giả tạo. Chẳng hạn, đoàn phim Trường Ca hành dùng hình họa mô phỏng các cảnh đánh trận, rơi xuống nước.

Kỹ xảo phim Trường Ca hành

Cảnh đánh trận của Địch Lệ Nhiệt Ba trong "Trường Ca hành" bị chê rời rạc, thiếu chân thực. Video: QQ.

Bên cạnh đó, Quản Minh Kiệt - phụ trách hiệu ứng hình ảnh của phim Vương quốc ảo cho rằng Trung Quốc không thiếu người giỏi lĩnh vực này. "Chúng tôi thường bị chê làm kỹ xảo không đáng ba đồng, nhưng thị trường phim kiểu 'ăn xổi ở thì' không cho phép chúng tôi làm ra sản phẩm tốt hơn. Nếu cho thời gian và tiền bạc tương ứng, chúng tôi cũng có thể làm ra kỹ xảo trình độ cao". Quản Minh Kiệt nói.

Quản Minh Kiệt lấy ví dụ Na Tra: Ma đồng giáng thế - phim điện ảnh gây sốt năm 2019, được đánh giá cao về nội dung, hình ảnh. Đạo diễn thuê 20 công ty xử lý kỹ xảo, không vì tiết kiệm chi phí mà sử dụng hình ảnh trùng lặp. Riêng kỹ xảo ở phần cao trào phim mất sáu tháng thực hiện.