Khai mạc Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2022 chủ đề Thay đổi thách thức sáng tạo

Minh Ngọc
Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam (VFCD) thường niên lần thứ tư diễn ra ở Hà Nội từ ngày 7-13/11 trước khi đến với TP. Hồ Chí Minh từ ngày 18-24/11/2022. Liên hoan có chủ đề Thay đổi: Thách thức sáng tạo.
khai-mac-lien-hoan-sang-tao-va-thiet-ke-viet-nam-2022-chu-de-thay-doi-thach-thuc-sang-tao-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1667989152.jpg
Khai mạc "Liên hoan Sáng tạo và Thiết kế Việt Nam 2022" chủ đề Thay đổi thách thức sáng tạo tối 7/11 tại COMPLEX 01, số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa (Hà Nội)

Lễ khai mạc ở Hà Nội đã diễn ra vào tối 7/11 tại không gian sáng tạo COMPLEX 01, địa điểm tổ chức xuyên suốt các hoạt động của liên hoan tại thủ đô Hà Nội. VFCD 2022 do Đại học RMIT Việt Nam phối hợp tổ chức cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS) và COLAB Vietnam cùng các đối tác trong lĩnh vực sáng tạo, với sự bảo trợ truyền thông và cố vấn tổ chức từ Hanoi Grapevine.

Với chủ đề thay đổi thách thức sáng tạo, VFCD 2022 diễn ra tập trung tại hai địa điểm ở hai thành phố lớn nhất Việt Nam:

Hà Nội: 7-13/11/2022 tại COMPLEX 01, số 29 ngách 31 ngõ 167 Tây Sơn, quận Đống Đa

TP. Hồ Chí Minh: 18-24/11/2022 tại Del La Sól, 244 Pasteur, phường Võ Thị Sáu, Quận 3

Chương trình gồm triển lãm, tọa đàm, workshop, tour khám phá văn hóa và một số hoạt động trực tuyến. Phần lớn hoạt động sẽ mở cửa miễn phí cho khách tham dự. Các hoạt động cùng nhau tạo nên một nền tảng tương tác cởi mở nơi các cá nhân và tổ chức sáng tạo có thể giao lưu với khán giả qua hình thức trực tiếp và trực tuyến.

khai-mac-lien-hoan-sang-tao-va-thiet-ke-viet-nam-2022-chu-de-thay-doi-thach-thuc-sang-tao-dien-dan-du-lich-dulichvn-4-1667989338.jpg
Chương trình gồm triển lãm, tọa đàm, workshop, tour khám phá văn hóa và một số hoạt động trực tuyến

Tại Hà Nội, liên hoan gồm hai triển lãm – triển lãm kết quả từ sân chơi Thách thức sáng tạo 2022 và triển lãm “Trong nhà ngoài phố” của nhóm sinh viên đầu tiên theo học ngành Thiết kế ứng dụng sáng tạo tại cơ sở Hà Nội, Đại học RMIT.

Chương trình liên hoan tại Hà Nội còn bao gồm tour đi bộ khám phá phố cổ Hà Nội, và các buổi đối thoại mở chia sẻ về việc thực hành trong các lĩnh vực sáng tạo và văn hóa khác nhau.

khai-mac-lien-hoan-sang-tao-va-thiet-ke-viet-nam-2022-chu-de-thay-doi-thach-thuc-sang-tao-dien-dan-du-lich-dulichvn-3-1667989229.jpg
Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT: Các hoạt động thử thách sáng tạo để tạo cảm hứng và giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về vai trò của sáng tạo và thiết kế trong xã hội

Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế Đại học RMIT, trưởng ban tổ chức liên hoan cho biết: “Chúng ta đã phải đối diện nhiều khó khăn thử thách trong hơn hai năm qua. Nhưng cũng qua đó, chúng ta đã tìm thấy được sự kiên trì nhẫn nại và nguồn năng lượng mới. Chúng ta bị đặt vào tình thế bắt buộc phải nghĩ khác, làm khác và thay đổi quan điểm về thế giới”.

“Thông qua liên hoan này, chúng tôi đem đến các hoạt động thử thách sáng tạo để tạo cảm hứng và giúp mọi người hiểu sâu sắc hơn về vai trò của sáng tạo và thiết kế trong xã hội, cũng như hiểu được hai lĩnh vực này đã cải thiện cuộc sống và hỗ trợ phát triển kinh tế như thế nào”.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, chia sẻ: “‘Thay đổi’ là một thách thức trong thời kỳ hậu khủng hoảng COVID-19 với mọi người nói chung, và các nghệ sĩ, nhà thiết kế nói riêng. Chúng ta đã chứng kiến những tác động nghiêm trọng của đại dịch đến ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Chúng ta cần hồi phục tốt hơn và nên nhìn nhận sự thay đổi cũng là một thời cơ. Giờ chính là lúc chúng ta cần phải thích nghi! Đó cũng chính là thông điệp của chúng tôi qua chủ đề ‘THAY ĐỔI: Thách thức sáng tạo’”.

Di sản ngày càng lớn sau ba năm

Được Đại học RMIT Việt Nam khởi xướng từ năm 2019, VFCD đã góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác và đẩy mạnh các dự án giữa tổ chức và cá nhân trong lĩnh vực văn hóa - sáng tạo Việt Nam suốt ba năm qua.

Thông qua chuỗi hoạt động sáng tạo mở cửa cho tất cả mọi người, VFCD là chất xúc tác hỗ trợ thực hiện các mục tiêu chiến lược thuộc Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Đồng thời, liên hoan góp phần đặt nền móng cho việc thiết lập một “vành đai sáng tạo” trải dài khắp đất nước qua việc mở rộng Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Việt Nam.