Hãng viễn thông nào khó chuyển mạng giữ số nhất?

Admin
Theo thống kê từ Cục Viễn thông, Vietnamobile đang là nhà mạng dẫn đầu về lượng từ chối chuyển mạng sai cũng như có tỷ lệ chuyển mạng thành công thấp nhất toàn thị trường.

Người dùng của Vietnamobile đang là nhóm khó sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số thuê bao (MNP) nhất trong thị trường viễn thông Việt Nam. Nhà mạng này có tới 126.239 lượt từ chối chuyển mạng sai trong hơn 2 năm và tỷ lệ chuyển mạng thành công cũng thấp đột biến so với các nhà mạng viễn thông còn lại.

Khó rời Vietnamobile

Cụ thể, theo số liệu từ Cục Viễn thông giai đoạn từ 16/11/2018 tới 14/3/2021, nếu tính theo tiêu chí từ chối chuyển mạng sai sau đối soát, Vietnamobile dẫn đầu với 126.239 lượt từ chối chuyển mạng sai, kế đến là VNPT VinaPhone với 38.882 lượt, MobiFone với 26.744 lượt và Viettel là nhà mạng ít từ chối chuyển mạng sai nhất với 3.996 lượt.

Thuê bao Vietnamobile khó chuyển mạng hơn hẳn các nhà mạng khác
Tỷ lệ thuê bao chuyển mạng giữ số thành công của các nhà mạng viễn thông giai đoạn 16/11/2018 - 14/3/2021 (số liệu: Cục Viễn thông)
Nhãn Vietnamobile MobiFone VinaPhone Viettel
Tỷ lệ chuyển mạng thành công % 80.3 93 93.5 99.4

Theo định nghĩa từ nhà chức trách, chuyển mạng sai là khi thuê bao đã đầy đủ điều kiện sử dụng dịch vụ MNP để chuyển sang nhà mạng khác nhưng nhà mạng gốc vẫn từ chối thực hiện chuyển mạng. Sau đối soát, nếu phát hiện trường hợp này, Cục Viễn thông sẽ yêu cầu nhà mạng gốc phải để thuê bao đủ điều kiện được sang nhà mạng mới.

Tính theo tỷ lệ, có tới 20,7% lượt thuê bao Vietnamobile đăng ký chuyển đi bị từ chối sai trong khi có đầy đủ điều kiện để thực hiện chuyển mạng giữ số. Con số này của VinaPhone là 4,5%, MobiFone là 4,8% và nhà mạng quân đội Viettel chỉ ghi nhận tỷ lệ từ chối chuyển mạng sai là gần 0,4%.

Sau khi có sự can thiệp của cơ quan quản lý viễn thông, tỷ lệ chuyển mạng thành công của các nhà mạng sau hơn 2 năm được ghi nhận ở mức 80,3% với Vietnamobile, 93% với MobiFone, 93,5% với VinaPhone và 99,4% với Viettel.

MobiFone dẫn đầu về tỷ lệ từ chối chuyển mạng cho thuê bao, ở mức 30,4% số lượt đăng ký chuyển đi bị nhà mạng từ chối. Tuy nhiên trái ngược với từ chối sai, đây là lượng từ chối hợp lệ khi thuê bao còn các điều kiện ràng buộc với nhà mạng như thời gian cam kết sử dụng gói cước hay thuê bao chuyển mạng có sự sai lệch về thông tin chính chủ. Con số này của các nhà mạng khác là 22,8% tại VinaPhone, 14,9% tại Viettel và 12,6% tại Vietnamobile.

Trong tháng gần nhất Cục Viễn thông ghi nhận số liệu là tháng 2/2021, MobiFone từ chối tới 74,5% lượt đăng ký chuyển mạng giữ số vì thuê bao không đủ điều kiện sử dụng dịch vụ này. Xếp sau là VinaPhone với 58,9%, Viettel với 44,2% và Vietnamobile 12,6%.

Cũng trong tháng 2, Vietnamobile vẫn dẫn đầu ở tiêu chí từ chối sai khi 13.508 lượt đăng ký chuyển mạng có đầy đủ điều kiện nhưng vẫn bị nhà mạng này từ chối chuyển mạng. Cùng thời điểm, MobiFone chỉ từ chối sai 105 lượt, VinaPhone là 104 lượt và Viettel chỉ có 5 lượt từ chối sai.

Thế khó của nhà mạng nhỏ

Sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, cho phép thuê bao giữ số điện thoại khi chuyển sang nhà mạng khác, thị phần viễn thông Việt Nam đã có nhiều biến động với 2 triệu lượt thuê bao chuyển mạng thành công.

Trong 4 nhà mạng tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, nhà mạng thắng lớn nhất là Viettel khi trong giai đoạn từ 16/11/2018 đến 14/3/2021, nhà mạng quân đội đón hơn 1 triệu thuê bao chuyển đến trong khi chỉ có 634.427 thuê bao chuyển đi.

Sau hơn 2 năm chuyển mạng giữ số, Viettel "lãi" 410.939 thuê bao, là nhà mạng hưởng lợi nhiều nhất từ dịch vụ này.

chuyen mang giu so vietnamobile anh 1

Sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số, Vietnamobile là nhà mạng mất nhiều thuê bao nhất và gặp khó trong việc giữ chân khách hàng. Ảnh: VNM.

Nhà mạng mất nhiều khách nhất là Vietnamobile. Dù tỷ lệ chuyển mạng thành công chỉ 80,3% nhưng đã có tới 515.176 thuê bao của nhà mạng này chuyển sang nhà mạng mới, trong khi Vietnamobile chỉ đón về 404 thuê bao. Từ tháng 11/2018 tới nay, nhà mạng này lỗ 514.772 thuê bao.

Điều này đồng nghĩa trung bình mỗi tháng Vietnamobile mất hơn 18.000 thuê bao chuyển sang các nhà mạng khác. Tính riêng trong tháng 2, nhà mạng này mất 56.076 thuê bao nhưng chỉ đón về 1 thuê bao duy nhất.

Nhà mạng tiếp theo có lượng thuê bao đi nhiều hơn thuê bao đến là MobiFone. Kể từ khi triển khai MNP, MobiFone đón 310.628 thuê bao nhưng có tới 354.774 thuê bao rời nhà mạng này. Với VinaPhone, doanh nghiệp đón 710.804 thuê bao trong khi mất 562.825 thuê bao sang nhà mạng khác. Sau hơn 2 năm, VinaPhone lãi 147.979 thuê bao.

Chuyển mạng giữ số đang khiến Vietnamobile rơi vào thế khó khi không đủ tiềm lực về hạ tầng để cạnh tranh với các ông lớn viễn thông. Doanh nghiệp chia sẻ lượng băng tần được cấp hạn chế, dẫn tới ảnh hưởng tới trải nghiệm của người dùng. Năm 2019, Vietnamobile từng gửi kiến nghị đến 5 bộ, ngành và Thủ tướng nêu việc bị đối xử không công bằng và đề xuất các chính sách quản lý thị trường viễn thông, phân bổ, đấu giá băng tần hợp lý hơn.

Cuối năm 2019, nhà mạng này đã đề xuất dừng tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số, tuy nhiên không được Bộ TT&TT chấp thuận.

Dù gặp nhiều khó khăn trong năm 2020, Vietnamobile vẫn có dấu hiệu khởi sắc về kinh doanh khi ghi nhận doanh thu khoảng 1.940 tỷ đồng, tăng 67% so với năm 2019 và lãi gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận này vẫn rất nhỏ bé so với kết quả kinh doanh của 3 nhà mạng lớn là Viettel, MobiFone và VNPT Vinaphone.

https://zingnews.vn/hang-vien-thong-nao-kho-chuyen-mang-giu-so-nhat-post1196534.html