The Mong show sản phẩm du lịch mới của SaPa

Hạnh
Vở diễn thực cảnh đầu tiên về người Mông tại Việt Nam theo hình thức vừa đi vừa cảm nhận đã đem lại nhiều cảm xúc bất ngờ cho du khách. The Mong show được kỳ vọng là ‘làn gió mới’ đưa du lịch SaPa phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19. Chương trình do Công ty CP Tập đoàn Anh Sơn – Anh Sơn Group phối hợp Sở Du lịch Lào Cai thực hiện.

The Mong show là điểm nhấn trong chuỗi Festival “Tinh hoa Tây Bắc” năm 2022 vừa diễn ra tại thành phố Lào Cai và thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Chương trình khai thác đời sống tinh thần, văn hóa của người Mông tại Lào Cai được thai nghén và hoàn thiện trong khoảng đầu tháng 8; chính thức công diễn liên tục 2 suất/ tối từ 25 – 28/08/2022 tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai (02 Faxipan, TX. Sa Pa), đây chính là Bảo tàng Sa Pa, một địa chỉ văn hóa quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế.

Tổng thời lượng của vở diễn kéo dài trong khoảng 35 phút không ngừng (nonstop), không có MC dẫn chương trình. Tất cả các mảng nghệ thuật được kết nối nhịp nhàng khéo léo bằng các phần trình diễn thông qua âm nhạc, hoạt cảnh, nghệ thuật múa, lời ca, tiếng khèn...

the-mong-show-san-pham-du-lich-moi-cua-sapa-bao-du-lich-dien-dan-du-lich-dulichvn-5-1663933576.jpg
là sự phối hợp của hơn 70 diễn viên không thực thụ đều là nghệ nhân, bà con đồng bào Mông sinh sống chủ yếu tại địa bàn Sa Pa, Lào Cai

Đến thời điểm hiện tại, The Mong show là vở thực cảnh đầu tiên về đời sống sinh hoạt của người Mông. Vở diễn thực cảnh cũng được kỳ vọng trở thành một sản phẩm du lịch mới của SaPa. Khán giả thay vì ngồi cố định tại một vị trí theo dõi thì sẽ phải vừa đi vừa lắng nghe, quan sát và hòa mình cùng vở diễn thông qua từng lớp sân khấu được bố trí độc đáo dựa trên địa hình thực tế của Bảo tàng SaPa. Sự khác biệt này cũng chính là hạn chế của chương trình, đó là chỉ giới hạn khoảng 50 người/show để đảm bảo trải nghiệm đầy đủ của tất cả mọi người.

the-mong-show-san-pham-du-lich-moi-cua-sapa-bao-du-lich-dien-dan-du-lich-dulichvn-2-1663933576.jpg
The Mong show còn thu hút du khách bởi yếu tố gắn bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa với phát triển kinh tế du lịch

Anh Sơn Group cho biết, để ra mắt khán giả show diễn đặc biệt này, đơn vị sản xuất đã bắt tay cùng ê kíp đạo diễn, nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam với bề dày kinh nghiệm và nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa dân gian, nghệ thuật múa và âm nhạc đương đại. Đặc biệt là sự phối hợp của hơn 70 diễn viên không thực thụ đều là nghệ nhân, bà con đồng bào Mông sinh sống chủ yếu tại địa bàn Sa Pa, Lào Cai.

the-mong-show-san-pham-du-lich-moi-cua-sapa-bao-du-lich-dien-dan-du-lich-dulichvn-3-1663933576.jpg
Diễn viên diễn như không diễn bởi toàn bộ xuyên suốt chương trình đều là những sinh hoạt, tập tục quá đỗi quen thuộc với đồng bào Mông

Ngoài điểm độc đáo là vở thực cảnh đầu tiên về người Mông tại Việt Nam theo hình thức vừa đi vừa cảm nhận, The Mong show còn thu hút du khách bởi yếu tố gắn bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa với phát triển kinh tế du lịch, đem lại nguồn lợi cho địa phương cũng như bà con tại Sa Pa, Lào Cai.

Vở diễn không sử dụng thiết bị khuyếch đại âm thanh, tạo trải nghiệm mới lạ cho người xem khác với những chương trình thực cảnh sử dụng yếu tố công nghệ sân khấu làm chủ đạo. Diễn viên diễn như không diễn bởi toàn bộ xuyên suốt chương trình đều là những sinh hoạt, tập tục quá đỗi quen thuộc với đồng bào Mông. Âm nhạc của vở diễn được chắt lọc và nhào nặn tạo nên một bản hòa thanh đa màu sắc giữa đất trời Sa Pa. Nghệ thuật múa đương đại được khai thác tối đa dựa trên chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào Mông. Đặc biệt, quá trình thai nghén và dàn dựng chỉ trong khoảng 10 ngày với hơn 70 diễn viên là người Mông.

the-mong-show-san-pham-du-lich-moi-cua-sapa-bao-du-lich-dien-dan-du-lich-dulichvn-4-1663933575.jpg
The Mong show được thai nghén và dàn dựng chỉ trong khoảng 10 ngày với hơn 70 diễn viên là người Mông.

Bắt đầu đến với chương trình, khán giả sẽ được hướng dẫn cách thức xem chương trình bằng việc đi theo hướng dẫn của các hướng dẫn viên và tuân thủ việc giữ trật tự tối đa, không quay phim chụp ảnh. Mỗi khán giả được chào đón bằng những câu chào hỏi bằng tiếng Mông của chính những diễn viên tham gia chương trình, là các thiếu nữ Mông ở độ tuổi 16, 17 tuổi. Ngoài ra mỗi khán giả sẽ được tặng một viên đá cuội buộc chỉ ngũ sắc có khắc tên The Mong show do tự tay ê kíp chế tác.

Trước khu buổi diễn chính thức, du khách sẽ được xem một đoạn trailer ngắn tóm tắt các màn chính của vở diễn khoảng 50 giây có phụ đề tiếng Anh dành cho du khách nước ngoài.

the-mong-show-san-pham-du-lich-moi-cua-sapa-bao-du-lich-dien-dan-du-lich-dulichvn-6-1663933576.jpg
 
the-mong-show-san-pham-du-lich-moi-cua-sapa-bao-du-lich-dien-dan-du-lich-dulichvn-7-1663933575.jpg
 

Vở diễn được hình thành dựa trên thế giới quan, phong tục và sinh hoạt truyền thống thường ngày của người Mông. Các màn chính trong vở diễn gồm 8 màn lần lượt như sau: Thầy cúng, Lò rèn, Dệt vải, Phiên chợ, Say rượu, Người Mông về bản, Chợ tình, Bảo tàng văn hóa Mông.

Được biết, Anh Sơn Group là đơn vị sản xuất gắn liền với nhiều lễ hội văn hóa như Lễ hội chợ tình Khâu Vai 2017, chương trình Tiếng Vọng Non Ngàn – trình diễn âm nhạc trong hang động tại Lai Châu... Anh Sơn coi trọng vào vấn đề con người, tính nhân văn vì vậy ê kíp luôn đem đến những ý tưởng mới, có hiệu quả và đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao với đời sống của bà con địa phương. Luôn đề cao và thực hiện kinh doanh có lợi nhuận song phải đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng kinh tế của đất nước trên cơ sở gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Chính vì lẽ đó The Mong show sẽ là vở diễn có sức sống lâu bền mà ở đó bà con có thể thường xuyên tham gia đóng góp cho mỗi đêm diễn.

Màn 1: Thầy cúng

Ba hồi tù và sừng trâu do hai chàng trai bên con thác dựng mô phỏng Thác Bạc vang lên, người thầy cúng bước ra từ vách đá hướng về bát nước đầy đặt trên mỏm đá trước mặt ông.

Bên cạnh người thầy cúng, tốp người già trẻ trong bản đứng lặng im nghe lời thầy cúng. Dứt mỗi một câu cúng quan trọng, người thầy cúng chỉ tay xuống bát nước và dậm chân mạnh xuống đất. Lập tức nhóm người di chuyển nhịp nhàng như hòa cùng nghi lễ do người thầy cúng chủ trì. Bỗng người thầy cúng cầm bát nước giơ lên cao khỏi đầu, trên tay của nhóm người là những nắm hạt ngô được thả xuống va vào mặt đất tạo thành một âm thanh rất độc đáo. Đó chính là tái hiện nghi thức xin nước đầu năm của người Mông mong cho một năm mới mùa màng thuận lợi, làm ăn phát đạt.

Người thầy cúng ngậm 3 lần nước phun bằng miệng vào không trung đọc thần chú từ từ cầm bát nước còn một nửa di chuyển về phía nhóm người. Mọi người dần dần di chuyển ra khỏi khu vực sân khấu thứ nhất nhường lại khoảng không cho thầy cúng. Đoạn người thầy cúng đổ bát nước xuống nền đất rồi biến mất vào màn đêm.

Màn 2: Lò rèn

Sau màn quan trọng của người thầy cúng trong nghi thức tâm linh của người Mông và việc mang nước, gieo hạt cấy cày, khán giả sẽ được hướng dẫn nhìn về lớp sân khấu thứ hai.

Người Mông có rất nhiều nghề thủ công truyền thống, trong đó phải kể đến nghề rèn dao nổi tiếng. Những con dao Mông nhiều kích cỡ lưỡi bằng thép nhíp, cán bằng sừng trâu bao trong chiếc vỏ làm bằng gỗ luôn là sản phẩm du khách tò mò, săn đón, mua về làm quà.

Từ trên bậc thang bằng đá, người thợ rèn của bản Sa Pả, TX. Sa Pa mang mang một dụng cụ gần giống với chiếc piston trong động cơ xe bước xuống khu vực lò rèn. Dụng cụ ấy được làm bằng thanh sắt dài khoảng 1m một đầu cố định bằng sừng trâu làm tay cầm cho người thợ rèn. Đầu còn lại được bện bằng lông gà trống theo đường kính vừa với lõi của cây gỗ dẻ để sẵn ở bếp rèn với nhiệm vụ tạo không khí tôi luyện thép tương tự bễ rèn. Người thợ rèn lắp ông bễ tạo âm thanh phì phò đánh thức đám thợ trẻ đang ngủ sau tán cây. Ông nhấc một thanh thép nóng đỏ đặt lên đe sắt và đập mạnh ba tiếng. Đám thợ trẻ cũng vì thế mà chuyền nhau thép, dao, búa và bắt đầu đập búa, mài dao, gõ thép tạo thành một bản hòa tấu mạnh mẽ thông qua những vật dụng quen thuộc trong lò rèn của người Mông.

Tiếp đến từ đằng xa, đám trai bản gùi củi mang về lò rèn, kẻ tung người hứng bên bếp rèn tạo thành một hoạt cảnh rất sinh động. Khi ấy người thợ rèn cao tuổi đã ngồi nghỉ dùng một con dao buộc bên hông đã rèn xong thử dao bằng việc chặt những thanh củi to mới mang về.

Một tiếng leng keng vang lên, chàng trai mài dao đánh rơi mảnh thép, đồng thời từ trên ngôi nhà phía xa một giọng hát của người phụ nữ Mông vang lên thánh thót trong màn đêm. Đám thanh niên ngồi bên lò rèn và khán giả hướng tầm mắt theo giọng hát.

Màn 3: Dệt vải

Theo phong tục, nếu mùa Xuân đi chơi, mùa Hạ đi gặt thì mùa Thu và mùa Đông người Mông sẽ se lanh dệt vải. Màn 3 của vở diễn cũng được bắt đầu từ giọng hát của nghệ sỹ Lầu Thị Pàng, một trong những nghệ sỹ mà đích thân nhạc sỹ Mạnh Tiến mời bằng được tham gia chương trình này bởi tiếng hát của chị vô cùng trong trẻo. Không gian đang ồn ã bỗng lắng xuống mở ra một thế giới của những tấm vải chàm xanh thẫm, của tiếng khung cửi nhẹ nhàng đưa đẩy đâu đây. Lắng tai một chút ta sẽ thấy cả người đàn ông châm điếu thuốc lào bên khung dệt. Hình ảnh một người mẹ địu đứa con ngồi se lanh... Tất cả dần dần hiện lên theo lời hát và chuyển động của ánh sáng.

Tại không gian này, những tiếng sáo nhẹ nhàng cất lên, hình ảnh bên những sào vải chàm bỗng dần chuyển động. Ở đó ngôn ngữ của cơ thể là điều quan trọng nhất. Những nghệ sỹ trong ê kíp biên đạo đã dày công tập luyện cùng hơn 20 cô gái Mông đang tuổi trăng tròn để sử dụng những động tác kéo vải, khua tay, từng bước chân, từng ánh mắt... tạo nên bức màn sinh động bên những tấm vải chàm.

Kết thúc màn múa đương đại, cô gái Mông có khuôn mặt như vầng trăng tròn ngày Rằm cuốn tấm vải trên mình đưa cho du khách cầm lấy rồi đưa đoàn người lên tới lớp sân khấu tiếp theo một cách khéo léo.

Màn 4: Phiên chợ

Toàn bộ một phiên chợ vùng cao của người Mông được tái hiện khéo léo thông qua hệ thống đạo cụ thực tế được ê kíp sưu tầm, thậm chí mượn của chính những bà con tham gia biểu diễn để có được lò nấu rượu ngô, nồi nấu thắng cố hay những bắp ngô treo bên hiên nhà... tất cả được hòa vào nhau trong không khí tưng bừng và sôi động nhất.

Du khách được mời ngồi vào bếp lửa của người Mông, thưởng thức chút rượu nồng và trải nghiệm không khí với đầy đủ các cung bậc cảm xúc. Đặc biệt là màn những thanh niên Mông xoay tròn dưới bàn tay của những cô gái như con cù để thử sức chịu đựng xem ai đứng vững. Một vài em nhỏ chạy tới hùa theo để rồi một nghệ nhân múa khèn trổ tài nghệ của mình bên vũ điệu khèn mê hoặc lòng người.

Âm nhạc ở sân khấu lúc này được hòa thanh bởi tiếng gõ dao thớt, tiếng gõ vào chảo thắng cố, tiếng sàng ngô đều đặn và đặc biệt là tiếng vỗ tay hò reo của khán giả.

Màn 5: Say rượu

Màn này có thể coi như một phần nhỏ tiếp nối không khí từ màn trước đó để đưa khán giả tiếp bước đi tiếp hướng lân sân khấu tiếp theo.

Một sự bất ngờ khi cô gái dắt chú ngựa Bắc Hà cõng người chồng đã say rượu nằm vắt ngang trên lưng ngựa bước tới trước khán giả. Tiếng khèn, tiếng pí vang lên thay đổi toàn bộ không khí. Đám thanh niên cầm sáo, cầm pí đi tới một phiến đá nơi người vợ che ô cho người chồng ngủ vì cơn say. Tiếng động mạnh làm người chồng bật dậy rồi lại cầm bát rượu tu một hớp và tiếp tục chìm vào cơn say miên man.

Màn 6: Người Mông về bản

Màn 6 được mở ra trong một đại cảnh lớn với ánh sáng xuyên qua những cây sao mộc già trong khuôn viên bảo tàng đủ để người ta nhận ra một cây cầu gỗ cheo leo xuyên qua những thân cây. Một nhóm thiếu nữ Mông từ từ bước xuống theo đội hình rất đều và bắt đầu hát một bài hát mà theo Đạo diễn âm nhạc Minh Đức đó là bài hát truyền thống của người Mông hát dành tặng nhau sau khi uống rượu.

Giọng hát của các cô gái được hòa phối vừa phải rồi lớn dần để mời gọi sự xuất hiện của nghệ sỹ Hàng A Chua, một giọng ca nổi tiếng trong cộng đồng người Mông nói riêng. Anh đã thể hiện rất rõ ràng những lời ca cổ mà ở đây nhiều cố vấn, chuyên gia đã đánh giá rất cao sự sưu tầm dàn dựng phần hát này của ê kíp sáng tạo.

Trên tay những cô gái lúc này là những sợi vải lanh được tung lên như những làn sóng đều đặn để kết thúc cho màn hòa thanh tĩnh lặng không cần bất cứ nhạc cụ nào đệm hát.

Từ phía trên cây cầu, hình ảnh những người Mông gùi củi trên lưng lững thững chầm chậm bước đi theo tiếng khèn, tiếng sáo. Đó là lúc toàn bộ khán giả được tĩnh lặng sau những cuộc vui còn chưa kịp dứt trước đó.

Màn 7: Chợ tình

Đã từ lâu, hình ảnh chợ tình của Sa Pa in đậm trong tâm trí nhiều du khách nhưng hiếm khi một phiên chợ tình với tiếng thổi lá, tiếng khèn, tiếng nam nữ trêu đùa rồi kéo vợ được hiện hữu ở mảnh đất này.

Ê kíp sáng tạo đã tái hiện màn kéo vợ đầy khéo léo với gần như toàn bộ diễn viên trên khu vực sân khấu tiếp theo trong những cây đào cổ tại khuôn viên bảo tàng.

Du khách có thể hòa vào giữa phiên chợ thông qua lối đi riêng được bố trí đứng ngay gần các diễn viên để tạo sự trải nghiệm khách biệt cho những ai ở xa, ở gần sẽ đều có cảm nhận riêng.

Có lẽ phải thực sự tham gia vở diễn chúng ta mới có thể cảm thấy chợ tình Sa Pa tại The Mong show tinh tế và đẹp ra sao. Rất nhiều những khán giả là người yêu, là vợ chồng đi cùng nhau theo dõi từ đầu chương trình đến màn này đều bị ấn tượng bởi những tập tục, nét đẹp văn hóa rất ý nghĩa của người Mông được tái hiện trong vở diễn.

Màn 8: Bảo tàng Văn hóa Mông

Xuyên suốt từ đầu chương trình cho tới màn cuối này thì ê kíp mới sử dụng thiết bị khuyếch đại âm thanh nhằm tạo hiệu quả cho một bảo tàng văn hóa Mông sống động nhất có thể.

Địa điểm bố trí màn trình diễn cuối cùng thực tế chính là khu trưng bày các hiện vật văn hóa của người Mông tại Bảo tàng. Thay vì những tượng người bằng gỗ, thay vì những hiện vật tái dựng... thì các diễn viên lúc này đã kịp di chuyển về khu vực bảo tàng ngay cạnh chợ tình để trình diễn bằng cách bất động trong khoảng thời gian dài theo những ý đồ sắp đặt riêng.

Âm nhạc như lời mời tiếng đối thoại giúp ánh sáng hiện dần từng lớp, từng bức tranh riêng như: mâm cơm gia đình, khu nông cụ, khung dệt, những cặp đôi bên khung cửa...

Kết thúc cho màn này, một tấm màn chiếu hạ xuống dần chiếu lại những thước phim hậu trường xuyên suốt quá trình thực hiện vở diễn để không chỉ công chúng mà chính những người diễn viên được nhìn lại chặng đường đã qua. Tuy những thước phim ấy mọi người đã xem đôi ba lần nhưng mỗi lần chiếu lại cảm xúc lại rất khác nhau. Nhất là vào những ngày công diễn cuối cùng ai nấy đều có một điều gì đó gần với việc tiếc nuối...

Thước phim đã hết, đại diện ê kíp gửi lời cảm ơn và lời chào đến khán giả, mời bà con cùng du khách chụp những tấm hình lưu niệm tại vở diễn. Vậy là hành trình hơn 30 phút của The Mong show đã khép lại như thế trong sự hân hoan và cảm xúc của tất cả mọi người, mà ở đây yếu tố tạo nên thành công của vở diễn có lẽ chính là phần nhiều ở khán giả với sự tương tác cũng như di chuyển vừa đi vừa cảm nhận một cách lặng lẽ.