Đan Mạch và Việt Nam tăng cường trong sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ

Các lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nhân trong ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm đến từ Đan Mạch và Việt Nam đã tham dự hội thảo tại Hà Nội nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ.

dan-mach-va-viet-nam-tang-cuong-hop-tac-trong-san-xuat-chung-nhan-va-quan-ly-san-pham-huu-co-dien-dan-du-lich-baodulich-dulichvn-1669620308.jpg
Hội thảo là một phần trong hợp tác dài hạn giữa Đan Mạch và Việt Nam nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam về chuyển đổi nền nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh và bền vững.

Trong những năm gần đây, sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm từ chính phủ cũng như ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm, đặc biệt khi Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi nền nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh và bền vững. Áp lực từ thị trường trong nước và quốc tế cũng như người tiêu dùng đối với sản phẩm hữu cơ càng nâng cao tính quan trọng của vấn đề này.
Các lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nhân trong ngành sản xuất nông nghiệp và thực phẩm đến từ Đan Mạch và Việt Nam đã tham dự hội thảo tại Hà Nội nhằm trao đổi kinh nghiệm, kiến thức về sản xuất, chứng nhận và quản lý sản phẩm hữu cơ.
Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới về sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hữu cơ. Đây cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Luật hữu cơ vào năm 1987. Năm 1989, Đan Mạch đã ban hành nhãn hữu cơ quốc gia. Qua đó, Đan Mạch đã tạo ra một hệ thống các điều kiện biến tư duy hữu cơ trở thành lĩnh vực kinh doanh phát triển mạnh mẽ, được tin tưởng và nổi tiếng với tiêu chuẩn cao về truy xuất nguồn gốc, sản phẩm và tính bền vững.
Ngài Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch phát biểu tại sự kiện: ‘Một trong những lý do làm nên thành công của Đan Mạch về sản phẩm hữu cơ là việc chúng tôi không chỉ coi đó là ưu tiên về mặt chính trị, mà còn là sự hợp tác trên cơ sở tin tưởng và cùng cam kết lâu dài giữa tất cả các bên trong chuỗi giá trị. Hội thảo ngày hôm nay chính là một cơ hội tốt nhằm tạo điều kiện cho các lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và cả doanh nghiệp trong ngành đến từ Đan Mạch và Việt Nam tiếp tục tăng cường trao đổi kinh nghiệm và kiến thức trong sản xuất và quản lý sản phẩm hữu cơ’.
Ông Teddy Hviid, đối tác của công ty Đan Mạch Let’s Eco ApS kiêm CEO công ty TNHH D1888 Việt Nam, diễn giả của buổi hội thảo cũng chia sẻ: ‘Công ty chúng tôi, Let’s Eco ApS có 100% sản phẩm được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn và hướng dẫn Đan Mạch – trong một số trường hợp, với các hướng dẫn và điều kiện còn khắt khe hơn luật EU. Do đó, chúng tôi có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và quản lý sản phẩm hữu cơ để chia sẻ với những người tham dự Việt Nam tại hội thảo này. Chúng tôi mong rằng qua buổi trao đổi kiến thức và kết nối ngày hôm nay, chúng tôi có thể khuyến khích các đối tác Việt Nam, doanh nghiệp và người tiêu dùng ủng hộ và thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng thực phẩm hữu cơ, vì sức khỏe của chính chúng ta cũng như môi trường sống bền vững’.
Bên cạnh ông Teddy Hviid, buổi hội thảo có phần chia sẻ, trình bày từ các diễn giả là đại diện các cơ quan hoạt động về nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam và Đan Mạch, như Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, Food Nation Đan Mạch, Hội đồng Nông nghiệp và Thực phẩm Đan Mạch,... Kết quả rút ra từ buổi hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển và hình thành các tiêu chuẩn và quy định pháp lý về sản xuất và quản lý sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam.
Hội thảo là một phần trong hợp tác dài hạn giữa Đan Mạch và Việt Nam nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam về chuyển đổi nền nông nghiệp và thực phẩm theo hướng xanh và bền vững.

 

 

 

 

 

Nguồn: Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội

Link nội dung: https://www.dulichvn.net.vn/dan-mach-va-viet-nam-tang-cuong-hop-tac-trong-san-xuat-chung-nhan-va-quan-ly-san-pham-huu-co-a123967.html