Những điều cần biết về PR cho khách sạn

Nhavan
Để bán được phòng, các khách sạn cần quảng bá hình ảnh, tiếp cận đến khách hàng tiềm năng nhiều hơn. Giải pháp hữu hiệu chính là kết hợp giữa quan hệ công chúng (PR) và chiến lược tiếp thị khách sạn. Bài viết trên bluejaypms sẽ giúp các nhà quản lý khách sạn hiểu rõ hơn về quan hệ công chúng và các giải pháp dành cho khách sạn để bán phòng hiệu quả hơn.

Quan hệ công chúng cho khách sạn là gì, và để làm gì?

Quan hệ công chúng (Public Relation – PR) là tổng hòa các phương pháp, hình thức và nội dung mà khách sạn áp dụng để truyền tải ra bên ngoài về hình ảnh của khách sạn của mình. Quan hệ công chúng được hiểu đơn giản là làm thương hiệu cho khách sạn, khiến người khác nhớ đến, có hình ảnh tích cực về khách sạn của bạn.

PR là một phần quan trọng trong chiến lược tiếp thị khách sạn, bởi nhu cầu đặt phòng đang ngày một tăng, các xu hướng du lịch mới dần phát triển, hành vi của khách hàng ngày càng phức tạp thì các khách sạn nếu tận dụng sức mạnh của PR để khiến mình trở nên nổi bật thì sẽ khó cạnh tranh với các đối thủ, và bán phòng được tốt hơn.

Để đạt hiệu quả như mong muốn, các chiến dịch PR cho khách sạn cần phải sáng tạo và khác biệt, thông điệp truyền tải rõ ràng và hợp lý, cũng như nắm bắt và chạy theo các xu hướng của thị trường. Do vậy, nhiều khách sạn đã tìm đến các đơn vị độc lập (agency) để có một chiến dịch bài bản, chuyên nghiệp. Nhưng họ chỉ có thể lập và triển khai chiến dịch theo cách tốt nhất, còn hiểu về khách hàng và khách sạn thì chỉ có thể là bạn. Vậy cho nên, nếu thuê ngoài, hãy đảm bảo rằng các chiến dịch phải bám sát và thể hiện rõ tinh thần của khách sạn, tránh thiếu thực tế và khiến khách hàng không liên kết được chúng với khách sạn của bạn.

Để đánh giá hiệu quả, khách sạn có thể thực hiện các khảo sát, nghiên cứu nội bộ dựa trên những tiêu chí cụ thể, tập trung vào việc trả lời câu hỏi là trước – sau khi có chiến dịch PR thì có những thay đổi nào, đặc biệt là cho nhận thức của khách hàng và cho thương hiệu của khách sạn.

Ví dụ, tập trung vào khía cạnh nhận thức về giá, chiến dịch PR cho khách sạn tập trung vào thông điệp: giảm 25% giá phòng vào thứ 2 đầu tuần, không kèm điều kiện. Khi chiến dịch diễn ra và kéo dài, khách đặt phòng việc giảm 25% là hiển nhiên chứ không phải vì khuyến mãi.

quan-he-cong-chung-cho-khach-san-va-nhung-gi-can-biet-

Quan hệ công chúng là các phương pháp, hình thức và nội dung mà khách sạn áp dụng để truyền tải ra bên ngoài về hình ảnh của khách sạn của mình.

5 giải pháp PR cho tiếp thị khách sạn

Trong khi Marketing tập trung vào quảng bá bán phòng và tăng nhận thức về thương hiệu, thì PR lại duy trì danh tiếng tích cực của khách sạn. Do vậy, các chiến lược sử dụng trong PR sẽ khác với chiến lược sử dụng trong Marketing, cụ thể được liệt kê trong phần dưới đây.

Đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng

Nếu trong cộng đồng địa phương gặp trở ngại, khó khăn và khách sạn của bạn có thể hỗ trợ, như cung cấp chỗ ở tạm thời, tiếp tế lương thực do mưa bão thì đừng ngần ngại triển khai. Khi thực hiện, hãy hướng về cộng đồng trước tiên, rồi mới đến thương hiệu của bạn, có như vậy thì hình ảnh của khách sạn sẽ ngày càng thân thiện và tích cực, nhiều người biết đến hơn. Điều này cũng tương tự như trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh, các phần mềm quản lý khách sạn đã hỗ trợ, đồng hành cùng khách sạn vượt qua giai đoạn khó khăn mà không yêu cầu bất kỳ điều gì.

Áp dụng khuyến mại, ưu đãi đúng thời điểm, đúng kênh

Dù khuyến mãi, ưu đãi có thể áp dụng trong mọi thời điểm, bối cảnh nhưng sẽ có những thời điểm phù hợp hơn để áp dụng. Ví dụ mùa du lịch thấp điểm, khi kinh doanh ế ẩm, khách sạn có thể triển khai ưu đãi giảm 30, 50% giá phòng nhằm kích cầu, tạo ra khác biệt với các đối thủ.

Với từng tệp khách hàng, sẽ có từng nhu cầu và khả năng chi tiêu, cũng như kênh truyền thông riêng biệt. Nhắm từng kênh truyền thông để tạo ra các chiến dịch PR, khuyến mãi và ưu đãi phù hợp, thì hiệu quả sẽ cao hơn là áp dụng chung khuyến mãi cho toàn bộ kênh.

Đăng ký nhận giải thưởng

Ngành du lịch lữ hành trong nước lẫn quốc tế luôn có rất nhiều giải thưởng mà khách sạn của bạn có thể đăng ký nhận giải. Có 2 phương pháp để giải pháp này đạt được hiệu quả như mong muốn:

  • Chạy theo giải thưởng: Hãy xem xét các tiêu chí trao giải và hoàn thiện khách sạn của bạn theo từng tiêu chí ấy, để khi đăng ký, gửi hồ sơ thì chúng đều có thể đáp ứng và khách sạn của bạn có thể cạnh tranh nhận giải với các khách sạn tương tự. Giải pháp này tương đối thực dụng, giúp khách sạn của bạn nhanh chóng đạt được những giải thưởng như mong muốn, nhưng không đồng nghĩa rằng trải nghiệm khách hàng cũng tương tự như vậy
  • Hoàn thiện tốt hơn và tìm các giải thưởng tương tự: Hãy tạo ra những tiêu chí cụ thể và đáp ứng chúng, không chỉ để nhận giải mà còn phục vụ cho trải nghiệm của khách hàng; rồi tìm kiếm những giải thưởng phù hợp với khách sạn của bạn. Chậm mà chắc, giải pháp này ưu tiên trải nghiệm của khách hàng, và nhận thưởng dựa trên sự hài lòng, đánh giá của cộng đồng về khách sạn của bạn.

Tổ chức, tham gia các sự kiện

Khi khách sạn tổ chức các sự kiện, hoạt động cụ thể như khai trương quán bar trên sân thượng, nhận giải thưởng mới… thì có thể quảng bá chúng để tạo điểm nhấn, thu hút sự chú ý của mọi người. Một ví dụ phổ biến là các khách sạn thường trang trí cây thông Noel ở tiền sảnh, và khuyến khích mọi người đến chụp hình checkin. Sự kiện này không tác động trực tiếp đến doanh số bán phòng, nhưng sẽ nâng cao nhận diện thương hiệu, và nhiều người biết đến khách sạn của bạn hơn.

Bên cạnh đó, các khách sạn cũng có thể tham gia các sự kiện, hội nghị dành cho khách sạn. Thông qua những sự kiện ấy, khách sạn của bạn có thể mở rộng mối quan hệ để hợp tác, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, cũng như nâng cao nhận diện thương hiệu trên thị trường.

Ý tưởng nội dung PR cho khách sạn

Tiếp theo, hãy nói về những ý tưởng để PR cho khách sạn, chúng phù hợp với mọi mô hình nhưng vẫn sẽ cần điều chỉnh để trở nên hoàn hảo với mô hình của khách sạn bạn hơn.

  • Chia sẻ các nội dung về hoạt động cộng đồng, trải nghiệm tại địa phương như địa điểm du lịch, checkin, nhà hàng, bãi biển… Những nội dung này thường được truy vấn trên công cụ tìm kiếm, nếu website khách sạn được SEO tốt, chúng sẽ hiển thị và khách hàng tiềm năng sẽ tìm thấy khách sạn của bạn.
  • Chia sẻ các nội dung về khách sạn như tiện nghi, dịch vụ hay trải nghiệm thực tế. Những thông tin này sẽ củng cố nội dung Marketing cho khách sạn, giúp người đọc, khách hàng hiểu rõ hơn về khách sạn của bạn.

Đồng thời, khách sạn cũng nên định hướng khách hàng sử dụng hashtag cho các bài viết, checkin tại khách sạn, ví dụ: #bluejayhotel, #withbluejay… và thường xuyên để lại bình luận, đánh giá trên các kênh bán phòng, kênh mạng xã hội để nhận mã khuyến mãi độc quyền. Những tương tác trên mạng xã hội sẽ là nguồn tham khảo để các khách hàng khác tìm kiếm thông tin, và cân nhắc việc đặt phòng tại khách sạn của bạn.

3 case study của PR cho khách sạn

Anti aGin của Warner Leisure Hotels

Warner Leisure Hotels muốn thu hút khách du lịch trên 55 tuổi, và nhận thấy rằng thức uống được nhóm này gọi nhiều nhất ở quầy bar khách sạn là Gin. Chính vì vậy, họ đã phát triển dòng sản phẩm mới, là Anti aGin – loại Gin chống lão hóa đầu tiên trên thế giới, và cung cấp chúng tại các phòng chờ, quầy bar tại 13 khách sạn trong hệ thống.

Marc Caulfield, trưởng nhóm Marketing đã chia sẻ: Anti aGin như lời cảm ơn chân thành đến những vị khách của chúng tôi vì đã giữ Warner Leisure Hotels luôn vui vẻ và trẻ trung. Thành công của chiến dịch phản ánh qua hơn 1 nghìn bản tin, bài báo được chia sẻ toàn thế giới.

Làm việc từ rừng nhiệt đới của Nayara Tented Camp

Trong đại dịch, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh mà nhiều công ty đã yêu cầu nhân viên làm việc từ xa, work for home. Và không nhanh sau đó, nhiều người nhận ra rằng, công việc vẫn có thể hoàn thành tốt nếu không ngồi ở nhà, cho nên họ đã book phòng khách sạn với đầy đủ tiện nghi, view đẹp tuyệt vời để vừa nghỉ dưỡng vừa làm việc.

Xu hướng mới này cũng khiến các khách sạn thay đổi, Nayara Tented Camp ở Costa Rica không nằm ngoài số đó. Họ đã giới thiệu không gian làm việc tại rừng mưa nhiệt đới, với đầy đủ tiện nghi khách sạn như wifi, máy lạnh, cafe ép kiểu Pháp. Chiến dịch PR này thành công rực rỡ, khi giải quyết vấn đề work for home cực kỳ sáng tạo và thiết thực.

#30stays300days của Marriott Bonvoy

Tiktok không thiếu những video trải nghiệm khách sạn của mọi người, đây cũng là “thế lực mới” trên nền tảng trực tuyến. Marriott tận dụng điều này để phát động cuộc thi trên Tiktok nhằm tìm kiếm 3 phóng viên để trải nghiệm 30 thương hiệu khách sạn của mình trong 300 ngày. Rất đơn giản, sử dụng hashtag #30stays300days, mọi người đăng tải video lên Tiktok để trả lời các câu hỏi: Du lịch đã định hình bạn như thế nào, và tại sao bạn là người tốt nhất cho vị trí này?

Brian Povinelli, phó chủ tịch cấp cao mảng Brand, Loyalty, và Portfolio Marketing cho biết: Chiến dịch thành công vượt bật, khi các tiktoker tận dụng sức mạnh của nền tảng và du lịch để chia sẻ niềm yêu thích, khám phá thế giới nhiều hơn có thể.

Chiến dịch này vừa là chiến dịch tuyển dụng đầy sáng tạo, vừa là cơ hội để PR cho khách sạn khi những người chiến thắng sẽ chia sẻ trải nghiệm của họ trong 300 ngày kế tiếp, với nhiều người theo dõi chuyến phiêu lưu của họ.

Kết luận

PR cho khách sạn là công cụ Marketing khách sạn hiệu quả, để tăng độ phủ và kinh doanh tốt hơn. Khách sạn có thể sử dụng PR để kết nối và giao tiếp với khách hàng của mình thông qua những câu chuyện, nội dung thú vị. PR là giải pháp không thể thiếu để tiếp cận, và khiến khách hàng thiện cảm hơn về khách sạn của bạn. Cho nên, nếu trong hiện tại chưa áp dụng, thì đã đến lúc để nói bắt đầu.