Lễ hội truyền thống Phủ Chúa Muối 2025: Khôi phục và tôn vinh nghề làm muối

Hoàng Nhung
Lễ hội truyền thống Phủ Chúa Muối năm 2025 không chỉ là dịp tôn vinh di sản văn hóa và nghề làm muối của Việt Nam mà còn khẳng định tấm lòng tri ân của nhân dân đối với Bà Chúa Muối, người đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử và văn hóa.

Lễ hội truyền thống Phủ Chúa Muối 2025: Khôi phục và tôn vinh nghề làm muối

le-hoi-truyen-thong-phu-chua-muoi-2025-khoi-phuc-va-ton-vinh-nghe-lam-muoi-2-dulichvn-1746849739.jpg
Lễ đón nhận Quyết định chứng nhận Nghề làm muối truyền thống xã Thụy Hải là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Sáng 9/5/2025, Ban Quản lý di tích Phủ Chúa Muối đã khai mạc Lễ hội truyền thống tại Phủ thờ Bà Chúa Muối (ngày 14/4 âm lịch), thuộc làng Tam Đồng, xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Dịp này cũng đánh dấu việc đón nhận Quyết định công nhận Nghề làm muối truyền thống xã Thụy Hải là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

quyet-dinh-chung-nhan-nghe-lam-muoi-truyen-thong-xa-thuy-hai-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cap-quoc-gia-dulichvietnam-dulichvn-1746850666.jpg
Quyết định công nhận Nghề làm muối truyền thống xã Thụy Hải là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Khơi dậy giá trị di sản văn hóa từ truyền thuyết

Lịch sử của Phủ Chúa Muối gắn liền với cuốn phả lục của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, ghi lại câu chuyện về ông Nguyễn Hiền và vợ là Phùng Thị Mậu, những người sống bằng nghề làm muối tại vùng Quang Lang, trấn Nam Định vào cuối thế kỷ XIII. Gia đình họ tuy nghèo khó nhưng nổi tiếng bởi lối sống thật thà và ngay thẳng.

le-hoi-truyen-thong-phu-chua-muoi-2025-khoi-phuc-va-ton-vinh-nghe-lam-muoi-3-dulichvn-1746849732.jpg
Lễ rước bằng văn hóa phi vật thể Quốc gia về Phủ Bà Chúa Muối

Theo truyền thuyết, bà Phùng Thị Mậu đã mơ thấy ánh trăng rực rỡ rồi sinh hạ một cô con gái vào ngày rằm tháng Giêng năm Canh Thìn (1280), đặt tên là Nguyệt Ảnh. Cô lớn lên xinh đẹp, nết na, và luôn muốn giúp đỡ bố mẹ trong công việc đồng áng. Tuy nhiên, mỗi lần ra ruộng làm muối, thời tiết lại trở nên bất lợi, khiến cha mẹ quyết định mua cho cô một chiếc thuyền để có thể đem muối đi trao đổi hàng hóa khắp nơi.

Một ngày, khi thuyền muối của bà ghé bến Long Biên, hiện tượng kỳ lạ đã xảy ra: mây đen kéo đến che khuất bầu trời. Vua Trần Anh Tông (1276 - 1320) nghe tin đã mời bà vào cung và không ngớt lời khen ngợi vẻ đẹp của nàng. Bà được phong làm Đệ tam cung phi và được vua yêu thương hết mực. Tuy nhiên, sự ganh ghét trong hoàng cung đã dẫn đến những biến cố đau thương trong đời bà.

Di tích lịch sử và văn hóa Phủ thờ Bà Chúa Muối

Phủ thờ Bà Chúa Muối được xây dựng vào cuối thế kỷ XIII, trải qua hơn 700 năm tồn tại, nơi đây đã trở thành biểu tượng lòng biết ơn của nhân dân địa phương đối với Bà Chúa Muối, người đã gìn giữ và phát triển nghề làm muối truyền thống của tổ tiên. Hằng năm, lễ hội vào ngày 14 tháng 4 âm lịch không chỉ là dịp tưởng niệm mà còn khẳng định bản sắc văn hóa của vùng đất này.

le-hoi-truyen-thong-phu-chua-muoi-2025-khoi-phuc-va-ton-vinh-nghe-lam-muoi-dulichvn-1746849732.jpg
Phủ thờ Bà Chúa Muối đã được nâng cấp và bảo tồn, trở thành Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Nơi đây cũng đã từng là điểm tựa cho các hoạt động của những người cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa từ 1930-1945. Với sự quan tâm từ chính quyền và nhân dân, Phủ thờ Bà Chúa Muối đã được nâng cấp và bảo tồn, trở thành Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016, Lễ hội ngày 14/4 (âm lịch) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Năm nay, Lễ hội sẽ kéo dài ba ngày, bắt đầu từ ngày 9/5 với nhiều hoạt động phong phú từ phần lễ đến phần hội. Các nghi thức trang trọng và các chương trình văn nghệ đặc sắc sẽ diễn ra, tạo cơ hội cho du khách tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa và con người nơi đây.

le-hoi-truyen-thong-phu-chua-muoi-2025-khoi-phuc-va-ton-vinh-nghe-lam-muoi-4-dulichvn-1746849732.jpg
Đội tế nữ quan thực hành nghi lễ dâng hương

Nghề làm muối truyền thống được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Đặc biệt, trong năm nay, lễ hội còn mang đến niềm vinh dự cho nhân dân xã Thụy Hải khi Nghề làm muối truyền thống của họ được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng, khẳng định giá trị văn hóa và nghề nghiệp của người dân địa phương.

Ông Bùi Đình Tháp, đại diện Ban Quản lý di tích Phủ thờ Bà Chúa Muối chia sẻ, điểm nhấn của lễ hội năm nay là việc khôi phục và giới thiệu nét đẹp truyền thống cổ trang của dân tộc, cùng các trải nghiệm ẩm thực liên quan đến hạt muối. Ông nhấn mạnh rằng lễ hội không chỉ là dịp để vui chơi mà còn để quảng bá hình ảnh quê hương và nghề làm muối truyền thống tới du khách, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa địa phương.